Trong lĩnh vực ngân hàng, chúng ta thường nghe nói đến thư bảo lãnh. Vậy, thư bảo lãnh là gì? Có vai trò ra sao? Các nội dung cần có trong thư là gì? Cùng tìm hiểu nội dung này trong phần trình bày dưới đây.
Thư bảo lãnh là gì? Có vai trò ra sao?
Thư bảo lãnh trong tiếng Anh có nghĩa là Letter of Guarantee. Đây là một bản cam kết đơn phương của các tổ chức tín dụng về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng nếu như họ không thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc không thực hiện đúng với nghĩa vụ như đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Trong đó, khách hàng phải có trách nhiệm nhận nợ và hoàn trả số tiền cho tổ chức tín dụng.
Ví dụ, công ty A tham gia đấu thầu công trình xây dựng B. Nhằm đảm bảo công ty A sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ sau khi trúng thầu thì tổ chức tín dụng C sẽ lập bản cam kết là thư bảo lãnh để dự thầu cho công ty A. Do đó, nếu công ty A không thực hiện thì tổ chức C sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho bên tổ chức đấu thầu.
Hiện nay, tất cả các loại bảo lãnh và tất cả các ngân hàng vẫn chưa có một văn bản bảo lãnh nào thống nhất. Cho nên, việc soạn thảo thư bảo lãnh được thực hiện bởi những chuyên viên có chuyên môn về mặt pháp lý, giấy tờ và mỗi thư bảo lãnh sẽ có mẫu thư riêng biệt.
Nội dung cần có trong thư bảo lãnh
Mặc dù không có một văn bản bảo lãnh nào thống nhất, nhưng trong thư bảo lãnh cần đảm bảo các nội dung cơ bản như sau:
Thông tin cá nhân của các bên tham gia
Các bên tham gia bảo lãnh bao gồm: Người được bảo lãnh, người thụ hưởng, ngân hàng phát hành thư, ngân hàng thông báo và ngân hàng chỉ thị (nếu có). Trong đó, cần có tên, địa chỉ… rõ ràng, đầy đủ để đảm bảo mọi rủi ro.
Dẫn chiếu hợp đồng gốc
Mỗi loại bảo lãnh đều có một loại rủi ro nhất định và được quyết định bởi nội dung của hợp đồng gốc. Và tên gọi của bảo lãnh sẽ thống nhất với nội dung của hợp đồng gốc. Vì vậy mà trong thư bảo lãnh luôn có phần dẫn chiếu số hiệu và giá trị của hợp đồng gốc.
Số tiền bảo lãnh
Ngân hàng sẽ thanh toán số tiền tối đa cho người thu hưởng, trong đó cho dù tổn thất do vi phạm hợp đồng có thể lớn hơn số tiền, nhưng người thụ hưởng vẫn không được nhận bồi thường cao hơn mức bảo lãnh tối đa của ngân hàng. Số tiền bảo lãnh sẽ được ghi thống nhất bằng số và bằng chữ.
Các điều kiện thanh toán
Bao gồm bảo lãnh thanh toán vô điều kiện. Nếu có điều kiện thì phải xác định rõ ràng những chứng từ cần phải xuất trình. Và trước khi thanh toán, ngân hàng sẽ kiểm tra xác thực các chứng từ.
Thời hạn hiệu lực bảo lãnh
Đây là thời gian mà người thụ hưởng xuất trình đầy đủ các điều kiện thanh toán thì ngân hàng sẽ phát hành cam kết thanh toán bất cứ khi nào cho người thụ hưởng.
Địa điểm phát hành và hết thời hạn hiệu lực
Trên thực tế, nơi phát hành bảo lãnh ở đâu thì khi hết hiệu lực vẫn ở đó. Địa điểm bảo hành có ý nghĩa quan trọng, được quy định như sau:
Luật pháp của nước ngân hàng phát hành sẽ điều chỉnh quan hệ bảo lãnh nếu không có một quy định khác. Nhưng do luật pháp ở mỗi nước có quy định khác nhau nên trong những trường hợp, các bên thỏa thuận sẽ lấy luật của một nước thứ ba được dùng phổ biến để áp dụng.
Địa điểm phát hành cần quy định cụ thể, chẳng hạn trong bảo lãnh gián tiếp, ngày hết hạn hiệu lực là ngày cuối cùng mà người thụ hưởng được phép xuất trình các chứng từ yêu cầu ngân hàng phát hành phải thanh toán. Trong đó, ngân hàng phục vụ là ngân hàng cùng nước với người thụ hưởng.
Hi vọng các bạn đã hiểu rõ thư bảo lãnh là gì. Nhìn chung, đây là một trong những chứng từ pháp lý vô cùng quan trọng được dùng trong các lĩnh vực kinh doanh, vay vốn giữa ngân hàng với các tổ chức, cá nhân. Do đó có tầm quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Phản hồi gần đây