Điểm yếu của bản thân nên trình bày ra sao cho ấn tượng?

Các nhà tuyển dụng thường tìm hiểu điểm yếu của các ứng viên để xem xét mức độ phù hợp với công việc. Ở đây, họ không coi trọng điểm yếu của bạn là nhiều hay ít mà quan trọng là thái độ và cách xử lý những điểm yếu của bạn ra sao.

Bạn đừng ngại trình bày những điểm yếu của bản thân trong khi phỏng vấn bởi chẳng ai là hoàn mỹ cả. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người trung thực dám đối diện những điểm yếu của mình và tìm cách khắc phục. Do vậy, bạn cần trình bày ra sao?

Tại sao phỏng vấn cần đề cập đến điểm yếu?

Điểm yếu là những mặt hạn chế của mỗi người mà ai ai cũng có, còn nhiều hay ít phụ thuộc vào sự khắc phục để xem ai sẽ dần hoàn thiện hơn. Do vậy, dù bạn ứng tuyển ở vị trí nào cũng phải trả lời câu hỏi này. Trong đó, chú ý cách trình bày bởi không quan trọng việc bạn có bao nhiêu đểm yếu mà hơn hết là từ những điểm yếu này thể hiện bạn đạt hay không đạt qua các tiêu chí như sau:

Khả năng phân tích: Một người có tầm nhìn và có khả năng nhận thức luôn tìm ra những điểm yếu của bản thân và tự tin thừa nhận những mặt yếu kém của mình. Tương tự như thế, trong công việc chắc chắn họ sẽ tìm ra những điểm khó khăn nhằm giải quyết những nguy cơ gây thất bại.

Khả năng xây dựng: Điểm mấu chốt và khác biệt giữa bạn và mọi người chính là họ có điểm yếu và bạn cũng có điểm yếu. Thế nhưng, họ biết xây dựng kế hoạch khắc phục điểm yếu thay vì trốn tránh không dám đối diện.

Mục tiêu đạt được: Các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều đến kết quả mà bạn đạt được sau những nỗ lực khắc phục điểm yếu. Vì thế, cần cho họ biết rằng bạn đã đạt bao nhiêu phần trăm của việc khắc phục này. Và kế hoạch tiếp theo là gì? Khi nào sẽ hoàn thiện mình hơn?

Tìm điểm yếu của bản thân như thế nào?

Những điểm yếu thường tồn tại song song trong công việc khiến bạn khó có thể che giấu nên hãy thành thật thừa nhận rằng bạn yếu trong những vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ năng và trong tính cách.

Trong chuyên môn, có thể là bạn không có nhiều kinh ngiệm, yếu trong việc triển khai thực hiện một kế hoạch nào đó. Hoặc bạn chỉ giỏi làm một việc trong một lĩnh vực rộng lớn mà chưa có cơ hội thực hành nhiều. Bên cạnh đó, điểm yếu cũng có thể là khả năng nói tiếng Anh chưa thành thạo hoặc chỉ sử dụng được một số phần mềm tin học cơ bản.

Trong kỹ năng, điểm yếu có thể là khả năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông, khả năng xử lý vấn đề. Một số kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian, làm nhiều việc cùng một lúc hay không giỏi tổ chức, phân công trong công việc.

Trong tính cách, điểm yếu thường tập trung vào các đặc điểm của người hướng nội hay hướng ngoại. Trong đó, bạn thích giao tiếp hoặc trầm tính, hay chỉ trích bản thân và tự trách. Có thể bạn quá nhạy cảm với nhiều suy nghĩ hoặc thờ ơ với những lời nói xung quanh.

Nên trình bày điểm yếu như thế nào?

Sẽ có rất nhiều điểm yếu để trình bày nhưng bạn nên đề cập đến những điểm yếu ngoài công việc mà không phải là thiết yếu khiến nhà tuyển dụng cau mày. Chẳng hạn, bạn không thể nói mình sử dụng tiếng Anh không trôi chảy khi phỏng vấn ở môi trường làm việc nước ngoài mà người ta hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Hoặc phỏng vấn ở vị trí kế toán mà bạn lại trình bày điểm yếu là không giỏi excel.

Nhưng trái lại, khi phỏng vấn ở vị trí bán hàng bạn có thể nói rằng: “Điểm yếu của em là chỉ sử dụng công nghệ thông tin ở mức cơ bản và không giỏi giao tiếp ngoại ngữ”. Hoặc ở vị trí kế toán bạn có thể nói rằng: “Em là người hướng nội và không thường xuyên giao tiếp với nhiều người”.

Hoặc những câu trả lời xoay quanh những biện pháp khắc phục. Chẳng hạn: “Điểm yếu của em là ngại chia sẻ với mọi người, không giỏi thuyết trình trước đám đông. Vì thế em đã tìm mọi cách để khắc phục bằng cách chủ động trò chuyện và cởi mở hơn. Em thường  xuyên tập thuyết trình một chủ đề nào đó trước những người bạn thân thiết. Và giờ em đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều”.

Đừng vội hoang mang khi nhà tuyển dụng hỏi đến vấn đề điểm yếu của bản thân vì đây là câu hỏi hiển nhiên mà hầu hết buổi phỏng vấn nào cũng có. Bạn hãy thật bình tĩnh và trình bày khéo léo thì có thể dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn.